Di tích có tên là Đình Bình Lập, đó là ngôi đình của làng Bình Lập, tỉnh Tân An, được xây dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được sắc phong vào ngày 29 tháng 11, năm Tự Đức thứ V (8/1/1852)Đình Bình Lập không chỉ là một thiết chế văn hóa làng xã Nam Bộ,chứng tích lịch sử của quá trình khai hoang lập làng trên vùng đất Tân An xưa, nơi bảo lưu những tập tục cổ truyền qua các lễ nghi nông nghiệp,đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng địa phương mà còn là mái nhà chung của nhân dân trong sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng dân gian và từng là công sở hành chánh quan trọng của làng xã trước đây.
Nằm bên bờ dòng sông Vàm Cỏ Tây, vùng đất Tân An là một trong những nơi được khai phá sớm ở Long An và Nam Bộ. Những ngày ấy, cư dân lựa chọn vùng đất cao ráo và khu vực ven sông để định cư khai phá rừng, làm ruộng và trao đổi mua bán với các vùng xung quanh. Với tinh thần cần cù, sáng tạo, vượt qua bao gian nan, thử thách của cư dân người Việt, những xóm ấp đầu tiên được hình thành trên vùng đất này. Cùng với nhu cầu cơ bản về vật chất như đắp đường, đào ao, xây chợ, là nhu cầu về tinh thần; từ đó, các thiết chế của xóm làng như đình, miếu đã ra đời để đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần người dân, trong đó ngôi đình là thiết chế quan trọng để cộng đồng người Việt thực hiện các lễ nghi nông nghiệp trên vùng đất mới. Đình Bình Lập đã ra đời trong bối cảnh trên.
Ngày nay, di tích Đình Bình Lập được tọa lạc tại khu phố Bình Đông 1, Phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh tàn phá nhưng Đình Bình Lập vẫn giữ được kiến trúc truyền thống của đình làng Nam Bộ xưa. Đây là một trong những ngôi đình cổ trên đất Tân An, là nơi lưu giữ được nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo kiểu Tứ trụ, mang đậm nét kiến trúc cổ của đình, miếu Nam Bộ xưa, lưu giữ những cổ vật quý có giá trị về niên đại và ý nghĩa về văn hóa, tín ngưỡng.
Di tích Đình Bình Lập được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh
Ngược dòng lịch sử, năm 1698, Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, đặt phủ huyện, lúc này đất di tích thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Đến đầu thế kỷ XVIII, Nguyễn Cửu Vân sau khi đánh quân Cao Miên rút về trú quân tại Vũng Gù (1705) đã tổ chức đào kênh, lập đồn điền, xây đồn lũy phòng vệ khu vực này. Đến cuối thế kỷ XVIII, vùng này trở nên trù phú, dân cư đông đúc.
Năm 1802, Gia Long cho đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định gồm 4 dinh và một trấn. Năm 1808, trấn Gia Định lại đổi thành thành Gia Định gồm 5 trấn Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà tiên. Đất di tích thuộc vùng Vũng Gù, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn ĐịnhTường, thành Gia Định.
Năm 1832, các trấn đổi thành 6 tỉnh thuộc Nam Kỳ. Thời vua Minh Mạng, di tích thuộc Tổng Hưng Long huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Tổng này sau đó chuyển sang huyện Tân Thạnh, tỉnh ĐịnhTường.
Năm 1841, huyện Tân Thạnh và Tân Hòa, thuộc Phủ Hòa Thạnh, tỉnh Định Tường chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định. Năm 1852, phủ Hòa Thạnh bị bãi bỏ, huyệnTân Thạnh được đưa qua thuộc phủ Tân An.
Ngày 5/6/1867, Pháp phân chia Gia Định làm 7 khu tham biện, di tích lúc bấy giờ thuộc làng Bình Lập, huyện Châu Thành-Bình Lập,khu Tham biện Tân An.
Năm 1899, các hạt và đơn vị hành chính tương đương thống nhất gọi là tỉnh.
Di tích thuộc thôn Bình Lập,quận Châu Thành,tỉnh Tân An.
Ngày 22/10/1956, tỉnh Long An được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Chợ Lớn và Tân An. Trước đó, ngày 5/10/1956, quận Châu Thành cũng đổi tên là quận Bình Phước. Di tích thuộc xã Bình Lập, quận Bình Phước, tỉnh Long An. Địa giới hành chính này không thay đổi cho đến năm 1975.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, thị xã Tân An trở thành đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, trung tâm của tỉnh gồm 4 phường:1,2,3,4. Di tích thuộc phường 3, thị xã Tân An. Ngày 24//8/2009, Chính phủ ban hành Quyết định số 38/NQ-CP về việc thành lập thành phố Tân An thuộc tỉnh Long An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Tân An. Di tích thuộc phường 3, thành phố Tân An cho đến ngày nay.
Để đến được di tích, du khách đi đường bộ là thuận tiện nhất. Từ thành phố HồChí Minh theo Quốc lộ 1A đến Bưu điện thành phố Tân An, tiếp tục theo con đường Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Huệ, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Thái Bình khoảng 2km là đến đường Nguyễn Hồng Sến, rẽ trái khoảng 50m là đến di tích.
Di tích Đình Bình lập được UBND tỉnh Long An xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, đây là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Tân An trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của di tích.Để hoàn thành trách nhiệm đó, Ban quản lý Di tích Đình Bình Lập thực hiện nhiệm vụ quản lý theo nhiệm vụ đã được phê duyệt và các quy định của Luật Di sản văn hóa, cùng hệ thống các luật liên quan.Ban quản lý Di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, thực sự trở thành địa chỉ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước nói chung và thành phố Tân An nói riêng.